Cha mẹ làm thế nào khi trẻ không hòa đồng?
Phải làm gì khi trẻ không hoà đồng? Đó là câu hỏi mà vô số phụ huynh đặt ra cho con em mình. Trong xã hội hiện nay, đối với những trẻ không hoà đồng thì việc gặp vô vàn thách thức trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Đó là bởi sự hạn chế về giao tiếp, tương tác xã hội cũng như hành vi của trẻ. Chúng ta phải làm gì để có thể giúp trẻ hòa nhập hơn với xã hội và mở lòng với mọi người xung quanh. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số biện pháp giúp cho trẻ tự ti, hay mặc cảm và không hòa đồng với xã hội trở nên hoà nhập hơn. Ba mẹ có thể tham khảo, đừng bỏ qua nhé!
Để giúp cho trẻ trở nên hoà đồng là một quá trình đòi hỏi phải có sự thiết kế, sắp xếp, triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục phù hợp sao cho trẻ tiếp cận và quen dần với chế độ sinh hoạt cũng như các hoạt động hàng ngày.
1. Quan sát con để phát hiện ra sớm các vấn đề từ khi còn nhỏ:
Đối với trẻ nhỏ xấu hổ hay nhút nhát là 1 chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu trẻ cứ lặp đi lặp lại những biểu cảm đó thường xuyên một thời gian dài thì đó là vấn đề cha mẹ cần lưu ý. Đặc biệt khi trẻ nói chuyện mà không nhìn vào mắt người đối diện, không muốn chơi với các bạn và cảm thấy sợ hãi lo lắng khi phải đi học, trẻ ngại tiếp xúc với các bạn thì đó là biểu hiện trẻ không hòa đồng và khó hoà nhập với cuộc sống. Lúc ấy cha mẹ hãy cùng ngồi với nhau để đưa ra những biện pháp hợp lý tác động đến trẻ sớm nhất có thể.
2. Quan tâm đến sở thích của trẻ:
Muốn trẻ hòa đồng được với mọi người xung quanh, chúng ta cần phải tìm hiểu sở thích của trẻ nhằm hướng nó đến những điều tích cực. Nếu trẻ muốn làm cái này, chơi cái kia cha mẹ nên đồng ý với con miễn là trong khả năng của trẻ. Không nên vì ý kiến cá nhân mà cấm đoán hay tác động đến con quá nhiều, hãy cho trẻ thỏa thích tự do, trẻ cảm thấy thoải mái thì mới mở lòng với mọi người xung quanh. Hoặc khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, trẻ cần phải có sự khuyến khích động viên kịp thời, quan tâm chăm sóc để gia tăng động lực cho trẻ. Cha mẹ cần nắm rõ những gì khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, mất bình tĩnh, khó chịu, hay thoải mái. Nếu nắm rõ được những gì thường ảnh hưởng đến trẻ sẽ giúp bạn tránh được các vấn đề khó xử và khiến trẻ tích cực hơn.
3. Khuyên bảo và coi con như một người bạn:
Với những trẻ không hoà đồng, trẻ thường thu mình vào thế giới riêng mà trẻ lập ra và tránh tiếp xúc với mọi người, đôi khi trẻ còn tỏ ra ngang bướng và không biết nghe lời. Chính vì điều đó trẻ càng khó hoà nhập và xa cách với xã hội, trong trường hợp như vậy điều quan trọng là phải dành thời gian phân tích, nói để bé hiểu bằng hành động nhẹ nhàng bảo ban, khuyến khích trẻ mở lòng hơn. Ngoài ra cha mẹ phải là người tác động trực tiếp tới trẻ qua giao tiếp với con, tâm sự hàng ngày và chơi chung như một người bạn để trẻ hiểu rõ hơn sự quan tâm, chăm sóc đó. Vi dụ: mẹ nói chuyện và tâm sự với con để con nói ra khúc mắc trong lòng, vì sao con ngại làm quen bạn mới, điều gì khiến con cảm thấy khó chịu, lo lắng... Rồi mẹ là người gỡ nút, khuyên bảo con không có gì đáng sợ cả. Việc kiên nhẫn trò chuyện với trẻ mỗi ngày là một trong những cách để giúp trẻ hòa nhập với bạn bè và thế giới xung quanh đơn giản nhất.
4. Thường xuyên khen ngợi nếu trẻ làm được những việc tốt:
Khen ngợi có thể mang lại tiến bộ rõ rệt đối với trẻ nhút nhát rụt rè, vì vậy, bạn nên cố gắng động viên để trẻ tiếp tục phát huy những điều tốt đã làm được. Dành lời khen cho trẻ khi chúng biết cách ứng xử hay làm được một điều tốt dù là lớn hay nhỏ, nên chỉ rõ cụ thể hành vi nào của trẻ đang được khen. Ba mẹ có thể biểu lộ tình cảm hoặc lòng biết ơn khi trẻ làm được một việc tốt bằng một cái ôm ấm áp, hoặc lời cảm ơn đơn giản giúp trẻ vui vẻ, phấn khởi hơn. Điều đó cũng giúp trẻ mở lòng với bố mẹ và mọi người.
5. Tạo niềm vui giúp con cười mà quên đi những lo lắng:
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có tâm lý lo lắng, sợ hãi khi mình không thể hoà đồng được với mọi người xung quanh, trẻ luôn sợ hãi khi ra ngoài xã hội. và cảm thấy giao tiếp là một điều vô cùng khó khăn. Vì thế bố mẹ cần khéo léo tạo niềm vui để giải phóng những lo lắng của trẻ, giúp trẻ thoải mái hơn khi giao tiếp với mọi người. Ngoài ra cha mẹ nên thường xuyên chơi đùa với trẻ, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động cũng như các sân chơi ở trường các hoạt động vui chơi được tổ chức ở địa phương hay các chương trình dành cho trẻ em, giúp trẻ quen dần với xã hội cũng như gặp gỡ những người bạn mới, từ đó trẻ cảm thấy phấn khởi, tâm lý vui vẻ hòa nhập tốt với mọi người.
6. Tạo cho con mối quan hệ tốt với bạn bè:
Để trẻ không cảm thấy cô đơn, trẻ cần ít nhất một người bạn. Cha mẹ có thể hỏi bạn bè, hàng xóm, những người xung quanh có con bằng tuổi, xem con họ có học chung với con mình hay không. Cha mẹ cũng có thể hỏi giáo viên xem bé hay chơi với ai và muốn ai chơi cùng để có thể tạo cho con những mối quan hệ tốt, một tình bạn ngây thơ trong sáng sẽ góp 1 phần ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Và một mối quan hệ mới sẽ tác động không nhỏ đến tính cách, phản ứng cũng như cách ứng xử.
7. Tôn trọng ý kiến của trẻ:
Rất nhiều cha mẹ không tôn trọng trẻ và luôn áp đặt trẻ theo suy nghĩ người lớn. Điều đó càng khiến trẻ tự ti và mặc cảm với bản thân. Trẻ con cũng cần được quan tâm, chăm sóc cũng như được nói lên những ý kiến của riêng mình. Những trẻ được cha mẹ tôn trọng sẽ luôn lạc quan, vui vẻ, mạnh dạn và tự tin khi phải đối diện với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Hòa nhập xã hội đối với trẻ không hòa đồng là điều cần thiết và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển cũng như giáo dục sau này. Một số biện pháp kể trên sẽ không thể có hiệu quả ngay nếu như bố mẹ không kiên trì và nên phối hợp với thầy cô giáo, những người thân xung quanh trẻ để tác động toàn diện và đạt kết quả tốt nhất tới trẻ.