“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ khác nhau, dù có thực hiện chăm sóc, giáo dục tốtnhư thế nào? Nhưng chỉ có nhà trường và giáo viên nỗ lực cố gắng mà không có sự phối hợp với gia đình và các bậc phụ huynh về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ thì hiệu quả giáo dục sẽ không cao.
Ngay từ nhỏ, con cái đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cha mẹ khi phụ huynh chủ quan và cho rằng con cái luôn thông minh, đáng yêu và là niềm hy vọng của cả gia đình. Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, phụ huynh thường lựa chọn trường phù hợp nhất cho con mình.
Sự bao bộc từ nhỏ cho đến thời điểm đến trường, trẻ bắt đầu một cuộc sống tự lập ở môi trường tập thể làm không ít cha mẹ phải lo lắng từ việc ăn uống, ngủ nghĩ cho đến sự hoà đồng chia sẻ của các bạn cùng trang lứa… Đôi khi, vì quá lo lắng, bố mẹ vừa dè chừng lại vừa khắt khe với các cô giáo Mầm non. Đối với tâm lý của phụ huynh khi đưa con đến trường lần đầu, họ bị chi phối bởi những thông tin không chính xác về nhà trường, cùng với đó là nhiều vụ việc giáo viên Mầm non bạo hành trẻ lan truyền trên mạng, khiến bố mẹ có cái nhìn cảnh giác hơn với giáo viên Mầm non.
Để có thể cho trẻ môi trường giáo dục tốt nhất, việc bố mẹ và cô giáo của con có một mối quan hệ tốt, thông cảm và hiểu nhau là vô cùng quan trọng. Vậy, chúng ta phải phối hợp như thế nào hay tuyên truyền như thế nào để đạt đươc hiệu quả và điều quan trọng là để phụ huynh có nhận thức đúng đắn về việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về mọi mặt: Trí tuệ, thể chất, tình cảm, ngôn ngữ...
Qua áp dụng vào thực tế trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ và công tác phối kết hợp với các quý bậc phụ huynh, nhận thấy: Thời gian trẻ đến trường mỗi ngày với cô giáo nhiều hơn với bố mẹ mình, trung bình khoảng 9 đến 10 tiếng, nên cô giáo là người có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về nhân cách, trí tuệ của trẻ.
Việc trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và chân tình với giáo viên, giúp phụ huynh nắm bắt tình hình sức khỏe, học tập, vui chơi, ăn, ngủ của các con ở trường. Và ngược lại, qua phụ huynh, giáo viên cũng biết được hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục ở nhà cùng một số tính cách, sở trường riêng của từng trẻ để có biện pháp uốn nắn, dạy dỗ phù hợp. Phụ huynh và giáo viên thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh, thì việc chăm sóc giáo dục trẻ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong cuộc sống hiện đại, quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên là vấn đề khá tế nhị, mấu chốt quan trọng để mối quan hệ này trở nên tốt đẹp hơn đó là tạo lập niềm tin giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Như vậy,mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh tốt sẽ là điều lý tưởng trong công tác phối hợp chăm sóc,nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Phụ huynh và giáo viên có thể cùng bàn bạc phương pháp tốt nhất để kèm cặp, hướng dẫn và động viên trẻ học tập.
Việc trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và chân tình với giáo viên cũng giúp phụ huynh nắm bắt tình hình sức khỏe, học tập của con em mình ở trường. Tất cả những cuộc gặp gỡ trong sáng giữa giáo viên và phụ huynh đều là chiếc cầu nối hỗ trợ hiệu quả cho việc chăm sóc giáo dục con trẻ.
Như cháu Lê Gia Bảo là con của phụ huynh Nguyễn Thị Liên, cháu vừa đến trường còn nhiều bỡ ngỡ, tính nhút nhát, chưa nói được…. nên giáo viên cũng khó để nắm bắt rõ nhất cháu mong muốn gì. Trong những ngày đầu, giáo viên liên tục trao đổi với mẹ cháu thông qua mạng xã hội zalo, facebook về những cử chỉ, hành động của cháu và từ đó giáo viên hiểu hơn nên đã giúp cháu hoà đồng sớm với bạn bè, dần dần cháu không còn nhút nhát nữa thay vào đó là sự lanh lợi, vui vẻ của cháu mối khi đến lớp. Từ việc trao đổi này, phụ huynh rất mừng khi thấy con mình đến trường, hoà nhập, về nhà vui vẻ…
Để có mối quan hệ bền chặt tạo nên sự thuận lợi nhất cho giáo viên và phụ huynh chăm sóc con trẻ, thông qua các buổi họp phụ huynh, những trao đổi qua điện thoại hay mạng xã hội, giáo viên sẽ là người trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về nội dung chương trình học của bé,tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả chăm sóc giáo dục toàn diện đối với trẻ.
Giáo viên cần phối hợp với cha mẹ trẻ và có sự chuẩn bị chu đáo như lên danh sách những vấn đề, ý kiến, thắc mắc cần trình bày hoặc cần được giải đáp. Thông qua cuộc họp, các bậc phụ huynh có thể nắm được tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình, từ đó giúp phát huy những điểm mạnh, uốn nắn, khắc phục những điểm yếu.
Sự tích cực và thiện chí của phụ huynh sẽ tạo được sự thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên về việc chăm sóc giáo dục trẻ, tạo được sự thồng nhất về nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ ở lớp học cũng như ở gia đình. Tránh được những mâu thuẫn về cách chăm sóc, giáo dụctrẻ giữa phụ huynh và giáo viên, tạo điều kiện cho việc hình thành thói quen và các phẩm chất, nhân cách tốt ở trẻ.Đây là điểm mấu chốt và điều kiện để giáo viên hoàn thành tốt vai trò của mình.
Phối kết hợp với phụ huynh không chỉ giúp phụ huynh và giáo viên có kiến thức chăm sóc trẻ một cách khoa học, mà còn giúp phụ huynh hiểu được thêm công việc của giáo viên ở lớp cũng như giáo viên hiểu được hoàn cảnh và điều kiện sống của trẻ ở gia đình. Ngoài ra,giáo viên luôn phối kết hợp và vận động các bậc phụ huynh tham gia tích cực các ngày lễ, ngày hội và các hoạt động, sự kiện ở trường tổ chức để tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình cùng chung tay, góp sức trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Việc kết hợp với phụ huynh học sinh trong các hoạt động, nhằm góp phần đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, góp phần đổi mới các biện pháp trong công tác phối kết hợp giữa giáo viên và phụ huynh, để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ một cách toàn diện theo hướng tích cực và bền vững.