Mùa hè là mùa mà các em học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học tập, cộng với thời tiết nắng nóng nên việc đi bơi là thú vui được nhiều học sinh ưa thích. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, tỉ lệ tử vong do đuối nước ngày càng cao ở khu vực có nhiều sông, hồ, ao suối. Đuối nước cũng là một tai nạn bất ngờ, không có những nguyên nhân rõ tàng và khó có thể lường trước được, gây tử vong hoặc tổn thương đến cơ thể người bị nạn. Bởi vậy việc tuyên truyền phòng chống đuối nước hằng năm cần thực hiện thường xuyên và khoảng thời gian hè, tuyên truyền cho phụ huynh cho học sinh để chủ động và ý thức phòng tránh. Cùng với đó là tuyên truyền những phương pháp xử lý trường hợp gặp đuối nước và phương pháp phòng tránh tai nạn đuối nước ở khu vực sông hồ.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn. Đuối nước là vấn đề xảy ra rất nhiều ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ, đến người lớn và cả người già do không có các kỹ năng dưới nước hoặc do tai nạn bất ngờ.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ ..vv. Vì thế các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người cần có hiểu biết cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết.
Hình ảnh biển báo cấm khu vực nguy hiểm
1. Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
- Người ta thống kê thấy có khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
- Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô.
Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
2. Nguyên nhân đuối nước.
- Do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý là: trông trẻ, dạy bơi, cứu đuối
- Do môi trường có những yếu tố nguy cơ như:
+ Sông, hồ, suối, ao
không có biển báo nguy hiểm, rào.
+ Mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên.
+ Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
3. Cách phòng tránh tai nạn đuối nước.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với trẻ em, chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không được phép đi bơi khi chưa xin phép bố mẹ.
- Khuyến cáo các bạn học sinh, sinh viên nhất là các em nhỏ không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
- Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
- Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông, đập tràn,
- Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.
- Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt... Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước. Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế
* Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.
+ Không được tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy siết, xoáy khi không có người lớn biết bơi và cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.
Trên đây là những điều chúng ta nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, tôi mong thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình.
Sưu tầm.