Trường Mầm non Bạch Đằng với công tác chuyển đổi số
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTG lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Việc tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10, Trường Mầm non Bạch Đằng xác định, công tác chuyển đổi số là một trong những ưu tiên quan trọng khi triển khai các hoạt động giáo dục trong năm học vừa qua và những năm tiếp theo. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Trường Mầm non Bạch Đằng đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu chung là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn thành phố, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.
Ngay từ những ngày đầu, nhận thức được vai trò của chuyển đổi số sẽ giúp cho việc điều hành, quản trị các cơ sở giáo dục được tốt hơn, Trường Mầm non Bạch Đằng đã chủ động triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giáo viên về sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong quá trình đổi mới giáo dục; đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thực hiện chuyển đổi số.
Trong chuyển đổi số, giáo viên là yếu tố quyết định thành công. Vì vậy, nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ, phải chuyển đổi tư duy để tiếp cận tri thức và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Nhiệm vụ đặt ra là phải tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số. Các cán bộ, giáo viên phải được bồi dưỡng thêm về kỹ năng thiết kế video gửi cho phụ huynh để phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ yếu, bồi dưỡng kỹ năng khai thác các phần mềm chuyên môn: phần mềm QLVB đối với nhân viên văn thư, phần mềm hạch toán các khoản thu tại các đơn vị đã trang bị phần mềm và phần mềm kế toán đối với nhân viên kế toán, sử dụng thành thạo các tiện ích phần mềm QLVB, phần mềm kế toán...
Để quá trình chuyển đổi số trong nhà trường diễn ra hiệu quả, trường cố gắng hoàn thiện hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (đường truyền Internet băng rộng, phòng máy tính thực hành, máy chiếu, tivi, màn hình Led, âm thanh,… phục vụ dạy học trên các phòng học, phòng sinh hoạt chuyên môn chung tại các nhà trường…). Hiện nay, 100% phòng học, phòng làm việc của nhà trường đều có máy tính và kết nối hệ thống Internet.
Đặc biệt, Trường MN Bạch Đằng cũng đề ra nhiệm vụ hoàn thiện thu thập thông tin cơ sở dữ liệu dùng chung ngành giáo dục thành phố Hải Phòng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung với các phần mềm nghiệp vụ trong nhà trường như: quản lý học sinh, quản lý sức khỏe, y tế học đường, quản lý nhà trường, quản lý tài chính…; liên thông dữ liệu báo cáo lên cơ sở dữ liệu của ngành. Việc triển khai dạy học kết hợp ứng dụng CNTT trong trường như phối hợp với cha mẹ trẻ dạy trẻ qua các video, các chương trình chăm sóc giáo dục trẻ phải từng bước đẩy mạnh. Theo đó, các video hướng dẫn, phối hợp với phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ… được đăng tải trên website của nhà trường, chia sẻ trên các trang hội nhóm của lớp như Zalo, Facebook, kênh Youtube của nhà trường, quyết mã QR để phụ huynh dễ dàng truy cập. Chính sự liên kết thông tin 2 chiều giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, sẽ giúp các phụ huynh quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp thật tốt với các giáo viên, tạo ra những tương tác trong không gian mạng để có thể quản lý việc học tập của con em mình được tốt hơn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng sự gắn kết giữa gia đình và trường học.
Cụm từ "Chuyển đổi số" giờ đây đã không còn xa lạ với học sinh, phụ huynh và giáo viên Trường MN Bạch Đằng. Thời gian đầu, khi xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, nhà trường không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, song với quyết tâm chính trị cao và một niềm tin về hiệu quả từ sự thay đổi phương thức chuyển tải kiến thức mà chuyển đổi số mang lại, các cô giáo, học sinh và phụ huynh Trường MN Bạch Đằng đều tin tưởng rằng mục tiêu chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT quận Hồng Bàng nói chung và tại Trường MN Bạch Đằng nói riêng sẽ được hiện thực hóa, từng bước, đổi mới toàn diện, hiệu quả giáo dục và đào tạo, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số của thành phố, của quốc gia./.