Trẻ cần gì nhất ở bố mẹ?
Ở các giai đoạn khi lớn lên, trẻ đều cần sự gắn kết với bố mẹ, nhất là người mẹ, để có thể phát triển lành mạnh về tâm lý và tinh thần. Ví dụ, theo các nghiên cứu khoa học, những trẻ sơ sinh do điều kiện sức khỏe nào đó mà phải nằm lồng kính thì có thể bị phát triển hội chứng nỗi sợ bị chia lìa. Sau này khi lớn lên, trẻ có thể gặp trục trặc trong tình yêu khi có người nào muốn gắn bó thì bộ não sinh cơ chế phản ứng để bảo vệ “thân chủ” khỏi nỗi đau chia lìa.
Với trẻ đang ở thời kỳ bú sữa, khi trẻ được bú sữa mẹ - tức là có mối liên kết gắn bó với người mẹ thì sẽ nảy sinh được tình thương yêu đậm đà giữa mẹ và con, ảnh hưởng của người mẹ đến đứa trẻ ngày càng gia tăng và trở nên rõ rệt. Đó là chưa kể sữa mẹ cung cấp nhiều dưỡng chất, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Một câu hỏi được đặt ra là, Vậy khi trẻ đã cai sữa mẹ, thì vai trò của người mẹ như thế nào? Nghiên cứu khoa học khẳng định vai trò của người bố mẹ là không thể thay thế. Như vậy, kể cả khi trẻ được ông bà, người thân, người giúp việc… nuôi nấng thì trẻ vẫn cần sự chăm sóc của bố mẹ. Trẻ được gửi về quê cho ông bà nuôi thì do không được ở bên bố mẹ hàng ngày nên những nỗi lo âu đầu đời của trẻ không được kịp thời giải tỏa, vỗ về bởi người gần gũi nhất với trẻ. Điều này tạo cho trẻ phát triển một số chứng rối loạn tâm lý và ảnh hưởng đến chức năng xã hội của trẻ khi trưởng thành (ví dụ như khi giao tiếp với người khác, khi đi làm việc, khi yêu đương…).
Kể cả với những trẻ vẫn đang sống cùng nhà với bố mẹ nhưng bố mẹ đi làm bận rộn “tối mắt tối mũi” cả ngày, về đến nhà thì bận “ôm” điện thoại, thì thời gian chia sẻ giữa trẻ và bố mẹ cũng rất hạn chế. Do vậy mà trẻ cũng khó mà giãi bày tâm tư hàng ngày với bố mẹ.
Để trẻ phát triển lành mạnh về tâm lý và tinh thần, hàng ngày bố mẹ phải lưu ý dành khoảng thời gian chất lượng cho trẻ. Đó có thể là thời gian khi đưa đón trẻ đi học (bố mẹ phân công nhau để cả hai đều đảm nhiệm việc này, như vậy cả bố và mẹ đều được có cơ hội gắn bó với trẻ); đó có thể là thời gian trẻ cùng bố mẹ chuẩn bị bữa tối, ăn cơm tối; hay khi bố mẹ chỉ bảo trẻ học bài.
Với những bố mẹ hay đi công tác vắng nhà liên miên, thì cần duy trì kết nối với trẻ hàng ngày, để kịp thời ghi nhận những mối băn khoăn, lo âu của trẻ để từ đó “gỡ rối” giúp trẻ.
Tờ Daily Mail mới đây đưa ra kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học London và Đại học Essex (Anh) cho thấy việc người mẹ ở bên trẻ chỉ 30 phút mỗi ngày cũng có thể giúp trẻ trở nên thông minh hơn. Nghiên cứu này xem xét dữ liệu từ 8.000 trẻ em và bà mẹ sau 16 năm theo dõi về những điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của trẻ. Kết quả cho thấy, trẻ được nghe mẹ đọc sách hoặc được hướng dẫn bài tập về nhà ở độ tuổi từ 3 đến 7 thường có khả năng nhận thức tốt hơn và tác động này kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những người mẹ dành thời gian với con trong các hoạt động vui chơi như đi bộ hoặc vẽ cùng với con sẽ giúp con có các kỹ năng xã hội tốt hơn.
Tu sĩ Phật giáo người Sri Lanka, Tiến sĩ K. Sri Dhammananda (1919-2006) từng viết: “Những cha mẹ không có thì giờ cho con cái bây giờ chẳng nên phàn nàn gì sau này những đứa con lớn lên không có thì giờ cho mình. Những cha mẹ nói rằng mình đã tiêu rất nhiều tiền cho con cái nhưng lại quá bận cũng chẳng nên phàn nàn gì sau này khi chúng lớn cũng quá bận nên phải để cha mẹ vào những nhà dưỡng lão!”.
Phải chăng đây cũng là lời cảnh tỉnh với những bậc cha mẹ nghèo nàn về thời gian dành cho con!